Thực hiện Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248); Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1925/VPCP-KGVX ngày 24/03/2021 về việc giao Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng ban Ban tổ chức 248 ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam; Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021 về việc xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội, Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo về việc tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, PSG.TS Nguyễn Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên BCH VNABC chia sẻ: "Diễn đàn có 3 mục tiêu trọng tâm: Thứ nhất, góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Thứ hai, tạo một Diễn đàn quốc gia mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi về văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới. Thứ ba, khẳng định vai trò, vị trị và tầm quan trọng của văn hóa trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh phục hồi và phát triển kinh tế bền vững".
Ban tổ chức Diễn đàn gồm có: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đơn vị thực hiện là Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và các đơn vị phối hợp.
Nội dung của Diễn đàn dự kiến gồm 3 hoạt động chính:
- Hội thảo với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như sau: Vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; Những nội dung cơ bản của chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của Việt Nam và quốc tế về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19 và các xung đột địa-chính trị, địa-kinh tế trên thế giới hiện nay.
- Tổ chức Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí.
- Tổ chức Đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thành phần đoàn gồm các Doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2021 và năm 2022 cùng với một số doanh nghiệp đã có thành tích đặc biệt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian qua.
Các hoạt động của Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình, bà Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đã giới thiệu về Bộ tiêu chí "Văn hóa kinh doanh Việt Nam" đã sửa đổi. "Một số tiêu chí chúng tôi đã chuyển ngữ để rõ ràng hơn, hay gộp một vài tiêu chí vào làm một. Điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn", bà Liễu nhận định.
Bà Liễu cũng giới thiệu hoạt động xem xét, tôn vinh "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2022. Bà cho biết: "Mọi thông tin chi tiết về Chương trình xét, công nhận sẽ được đăng tại: https://vhkd2022.vnabc.org.vn. Doanh nghiệp có thể truy cập để cập nhật thông tin nhanh và chính xác nhất".
Với góc nhìn từ một doanh nghiệp, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã chia sẻ: "Chúng tôi rất tâm đắc chủ đề năm nay. Chấn hưng văn hóa là 1 chính sách của Đảng và Nhà nước đưa ra và cũng đồng thời nằm trong chiến lược của Deloitte chúng tôi. Điều kiện cần của các doanh nghiệp để xây dựng nền tảng văn hóa bền vững đó chính là sự tuân thủ. Tuân thủ luật pháp một cách hiệu quả và tạo giá trị từ sự tuân thủ đó chính là điều mà doanh nghiệp cần hướng tới. Các doanh nghiệp chúng tôi nhận thức việc thực thi trách nghiệm xã hội là phải theo một cách tự nguyện, bản thân chúng tôi cũng nhận được rất nhiều, tạo được uy tiếng cho doanh nghiệp, uy tín giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, hấp dẫn các đối tác, nhà đầu tư, và người lao động, điều này cũng đồng thời đóng góp cho sự phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn thường nói về sự phục hồi của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm dưới áp lực của lạm phát tăng cao, theo tôi để doanh nghiệp phục hồi thì văn hóa chính là nền tảng vô cùng quan trọng".
Thời gian tổ chức Diễn đàn dự kiến vào tuần thứ hai của tháng 11 năm 2022, hướng tới ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11). Địa điểm tổ chức sẽ diễn ra tại thành phố Hà Nội.
Tại chương trình, GS.TS Đinh Văn Hiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cũng có những chia sẻ: "Văn hóa là tiêu chí sống còn với doanh nghiệp. Dẫu doanh nghiệp nào có nền văn hóa của doanh nghiệp đó, nhưng về cơ bản cần phải có một bộ tiêu chuẩn nhất định. Văn hóa là một cấp độ cao nhất của tiến triển phát triển kinh tế. Văn hóa có 3 trụ cột lớn: Văn hóa về công chức, văn hóa về gia đình, văn hóa về doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, yếu tố văn hóa phải xuất phát từ nỗ lực của người lãnh đạo lan tỏa đến từng cá nhân thông qua các vị trí quản lý. Văn hóa hiện giờ đã có bộ tiêu chí, thay vì trước đây doanh nghiệp phải đọc mò mẫn nhiều thứ thì bây giờ đã có bộ tiêu chí như một xương sống để định hướng hoạt động cho doanh nghiệp".
BAN TRUYỀN THÔNG VIỆN VĂN HÓA KINH DOANH