“PHAO CỨU SINH” TỪ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

“Phao cứu sinh” từ văn hóa doanh nghiệp

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần đà phục hồi sau đại dịch Covid-19?

Trước hết, chúng ta cần nhắc lại về bối cảnh của các doanh nghiệp trong khủng hoảng của đại dịch Covid-19, khi đó, những câu chuyện về lợi nhuận, chỉ tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lui xuống, mà sự kết nối, chia sẻ, niềm tin của nhân viên với doanh nghiệp, người lãnh đạo mới là yếu tố giúp doanh nghiệp trụ vững. Có nhiều câu chuyện nhà lãnh đạo đi tiên phong trong việc giảm lương, nhân viên các bộ phận ngồi lại, chia sẻ với nhau, từ đó lại đưa ra được những giải pháp rất tuyệt vời để vượt Covid-19.

Nên có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là cái còn lại sau những thất bại, biến cố bất ngờ ập đến. Văn hóa doanh nghiệp được ví như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp.

Do vậy, trong giai đoạn các doanh nghiệp đang tăng tốc hồi phục, chạy đua kinh doanh để đạt được mục tiêu trong những tháng cuối năm này, vấn đề về văn hóa doanh nghiệp càng cần phải được chú trọng.

Văn hóa là kết tinh trong tác phong, thái độ làm việc, kết nối với nhau để hoàn thành công việc. Nhưng yếu tố then chốt ở đây chính là người lãnh đạo doanh nghiệp, họ phải tổ chức các hoạt động, đưa ra động viên, hướng dẫn để nhân viên có sự giao lưu, kết nối nhiều hơn, từ đó hỗ trợ lẫn nhau. Nếu ví văn hóa doanh nghiệp như con thuyền thì doanh nhân là thuyền trưởng. Người thuyền trưởng này phải biết khai thác lợi thế văn hóa để biến thành sức bền, sự cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, văn hóa doanh nghiệp được thực hiện thành công sẽ tạo ra sự khác biệt, nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp ra sao, thưa bà?

Việc hội nhập quốc tế sẽ tạo ra sự giao thoa văn hóa. Trong văn hóa doanh nghiệp, không có văn hóa đúng và văn hóa sai, cũng không có văn hóa tốt và văn hóa xấu, chỉ có văn hóa phù hợp với hoạt động doanh nghiệp hay không. Do đó, khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết thích ứng để phù hợp văn hóa ở sân chơi toàn cầu, phải nâng tầm văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lên. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn kinh doanh ở nước ngoài, hoặc làm việc với các đối tác nước ngoài ở Việt Nam đã rất khôn khéo để nâng tầm văn hóa, tạo ra sự phù hợp với đối tác, giúp sức cho việc kết nối, tạo uy tín với khách hàng.

Đặc biệt, trong vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp được coi là một trong những nguồn lực rất quan trọng. Lâu nay, nguồn lực của doanh nghiệp thường bao gồm: con người là trọng tâm, tiếp đến là sức mạnh về vốn, tài chính, công nghệ và hình thức sở hữu… Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp mới là thứ tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp. Bởi nếu so sánh giữa các doanh nghiệp có sở hữu doanh nghiệp giống nhau, nguồn lực tài chính và con người giống nhau… thì doanh nghiệp có văn hóa khác biệt, tạo được chất riêng thì chắc chắn sẽ chiến thắng.

Có thể thấy, câu chuyện văn hóa doanh nghiệp vẫn còn nhiều hàm ý trừu tượng, theo bà, vấn đề này nên được cụ thể hóa ra sao cho doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả?

Câu chuyện văn hóa doanh nghiệp lâu nay vẫn tưởng là trừu tượng, nhưng văn hóa doanh nghiệp ấy có thể được cụ thể hóa bằng nhiều phương thức và hành động. Chẳng hạn, văn hóa doanh nghiệp có thể thể hiện ngay từ khi bắt đầu bước vào cổng doanh nghiệp, cách ứng xử của bảo vệ, lễ tân cũng là văn hóa. Thậm chí người bảo vệ còn được gọi là sứ giả đầu tiên của văn hóa doanh nghiệp. Sau khi vào cổng thì cách tiếp khách, cách bài trí vật dụng trong doanh nghiệp cũng ẩn chứa giá trị văn hóa nhất định. Văn hóa doanh nghiệp còn được thể hiện qua logo, khẩu hiệu (slogan)… cho đến các bộ quy tắc ứng xử, nội quy, quy định cho hoạt động trong doanh nghiệp.

Sâu xa hơn, văn hóa doanh nghiệp cần nhấn mạnh ở niềm tin của người lao động với các doanh nghiệp. Nên trong bối cảnh Covid-19, có nhiều doanh nghiệp trụ vững được là nhờ vào niềm tin của người lao động, họ tin vào ban lãnh đạo doanh nghiệp, tin vào tương lai của doanh nghiệp nên đã “chung lưng đấu cật” với doanh nghiệp, chấp nhận hy sinh một số lợi ích để giữ công việc, cùng doanh nghiệp phục hồi.

Từ những vấn đề trên, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đã đưa ra được giá trị cốt lõi. Chẳng hạn như “Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân” của Vingroup, hay “Tôn, Đổi, Đồng – Chí, Gương, Sáng” của FPT… Đây đều là những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Bởi những giá trị cốt lõi này đã trở thành kim chỉ nam, định hướng cho tất cả giải pháp, kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!

Hương Dịu (thực hiện)

 

BAN TRUYỀN THÔNG VIỆN VĂN HÓA KINH DOANH

hotline 0914899219