PV: Văn hóa doanh nghiệp chính là bộ "gene" đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường để tiếp tục chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vậy theo bà, tại Việt Nam, cụ thể là đững trước cơn bão Covid-19, giá trị đạo đức kinh doanh, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng hay chúng ta còn hay nói là những doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển bền vững, thì điều này có thể giúp ích được gì cho doanh nghiệp?

PGS. TS Dương Thị Liễu: Từ những năm 1970, khái niệm kinh doanh bền vững đã bắt đầu xuất hiện ở các nước phát triển. Ngày nay, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm đang và sẽ là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của thời đại mới. Đây chính là giấy thông hành để mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tiến sâu và xa hơn vào thị trường toàn cầu. Trong đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng. Các doanh nghiệp Việt, dù quy mô lớn hay nhỏ, đã đóng vai trò tích cực, chung tay cùng nhà nước và các tổ chức cộng đồng để giảm thiểu tác động của đại dịch này. Cụ thể đối với người lao độngcùng cả nước chống dịch, tất cả các doanh nghiệp đều nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hướng dẫn người lao động tuân thủ các quy trình về sức khỏe và các quy định khác của Bộ Y tế. Nhiều cơ chế khác nhau được áp dụng như làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, áp dụng nghỉ phép có lương, chế độ ốm đau cho người lao động cùng với các quyền lợi chăm sóc sức khỏe và các chương trình cứu trợ khác. Nhiều doanh nghiệp dành sự ưu tiên đặc biệt tới việc chăm lo đời sống người lao động. Đối với khách hàng, người tiêu dùng, trong thời điểm dịch bệnh, khách hàng, bao gồm cả các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong cộng đồng, phụ thuộc vào các nhà sản xuất và nhà cung cấp những thứ cơ bản thiết yếu cho cuộc sống như thực phẩm, thuốc men và hàng hóa khác. Hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực, tiếp tục công việc, làm việc từ nhà, tại văn phòng, trong phòng thí nghiệm, trong nhà máy hoặc một địa điểm phù hợp để đảm bảo cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh cho khách hàng theo yêu cầu. Chính trong bối cảnh đại dịch Covid 19 các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng đã được kích hoạt, các doanh nghiệp đã có rất nhiều hành động thiết thực có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Đứng trước cơn bão Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng, mang lại lợi ích cho xã hội thông qua các hoạt động tự nguyện của mình, một mặt, thu hút sự chú ý của xã hội, từ đó đem lại hình ảnh, uy tín cho doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh của thời đại mới, thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới, một nền kinh tế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm.

Đến thời phát triển doanh nghiệp bền vững

Ngày nay, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm đang và sẽ là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của thời đại mới..

Tôi xin trích dẫn  một nhận định của tổ chức tư vấn đào tạo quốc tế Franklin Covey rằng "đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, bí quyết công nghệ chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột… Nhưng có một thứ duy nhất, họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn". Vậy theo bà, văn hóa doanh nghiệp tạo nên những đặc trưng cụ thể như thế nào cho từng doanh nghiệp và làm sao để xây dựng văn hoá gắn kết trong doanh nghiệp?

PGS. TS Dương Thị Liễu: Từ thực tế, chúng tôi thấy văn hóa doanh nghiệp đã tạo nên một số đặc trưng phổ biến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp tùy theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, theo  bản chất, ngành nghề, theo loại hình kinh doanh và định hướng trong tương lai của mình mà lựa chọn đặc trưng phù hợp làm trọng tâm để phát triển văn hóa doanh nghiệp của mình. Cụ thể đó là 4 đặc trưng sau: Tính tuân thủ (tinh thần thượng tôn pháp luật; tinh thần trách nhiệm; tôn trọng bảo mật và trung thành vì lợi ích chung của công ty; tuân thủ đúng quy trình và nghiệp vụ); tính nhân văn (luôn tôn trọng và giúp nhân viên phát triển như một “con người” đúng nghĩa; luôn đề cao các giá trị chuẩn mực đạo đức nền tảng của một “con người” (biết ơn và trân trọng những gì mình đang có; yêu thương; trách nhiệm; chính trực);  chân thành quan tâm đến nhân viên, vượt ra khỏi phạm vi công việc hàng ngày (gia đình, nhu cầu, cảm xúc, tâm lý), luôn khích lệ, động viên, ghi nhận đóng góp của nhân viên); định hướng đến kết quả (làm việc có chiến lược và theo kế hoạch; linh hoạt triển khai nhiều giải pháp hành động khác nhau để hoàn thành công việc được giao; luôn kiên trì mục tiêu đến cùng, đặt những mục tiêu thử thách; theo đuổi những chuẩn mực cao về chất lượng; tính quan tâm (nỗ lực xây dựng và  gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp trong cùng bộ phận và liên bộ phận; luôn tin tưởng, thân thiện, cởi mở và chân thành chia sẻ quan điểm; sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ, hợp tác  lẫn nhau cùng phát triển; cân bằng trong sự quan tâm giữa công việc và đồng nghiệp xung quanh; xem trọng tinh thần hợp tác vì lợi ích chung của doanh nghiệp).

Như chúng ta đã biết, xây dựng văn hóa gắn kết sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, thu hút ứng viên có tài năng, cải thiện năng suất lao động và gia tăng tỷ lệ giữ chân nhân sự. Vậy làm sao để xây dựng văn hoá gắn kết trong doanh nghiệp? Tôi thể nêu ra 4 khía cạnh cần làm sau:

Thứ nhất, xây dựng  môi trường làm việc ở đó quản lý quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của người lao động, cung cấp các thông tin phản hồi tích cực; một điều kiện làm việc thoải mái và an toàn; khuyến khích người lao động phát triển những kỹ năng mới, giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc

Thứ hai, lãnh đạo là người truyền cảm hứng,  có khả năng dẫn dắt, quan tâm sâu sát đến từng nhân viên, xử lý công bằng, minh bạch trong các mối quan hệ và đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức . Những nhà quản lý tạo được cảm xúc tích cực, khiến nhân viên cảm thấy nhiệt tình, hào hứng thường nhận được tỷ lệ đồng thuận ý kiến cao. Khi có được sự gắn bó của nhân viên, nhà quản lý sẽ dễ dàng dẫn dắt họ gắn kết với tổ chức bởi lúc này, nhân viên sẽ có xu hướng đi theo những điều nhà quản lý làm và tin tưởng.

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ hòa hợp, tôn trọng, thấu hiểu giữa các đồng nghiệp bởi mối quan hệ với đồng nghiệp ảnh hưởng tích cực đến sự gắn kết của người lao động. Nếu người lao động có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp thì sẽ gia tăng sự gắn kết với tổ chức.

Thứ tư, đào tạo và phát triển nhằm trang bị kiến thức căn bản hay nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên bởi vì hoạt động này  có mối quan hệ tích cực với sự gắn kết của nhân viên với tổ chức. 

Cuối cùng, chú trọng xây dựng chính sách lương thưởng, phúc lợi xã hội cho nhân viên, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhân viên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Làm sao để xây dựng văn hoá gắn kết trong doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Xây dựng văn hóa gắn kết sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, thu hút ứng viên có tài năng, cải thiện năng suất lao động và gia tăng tỷ lệ giữ chân nhân sự.

Khi nhắc đến câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, dường như các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà cho lắm. Khi đề cập đến văn hóa doanh nghiệp Việt, nhiều người vẫn khá ngần ngừ. Phải chăng vì môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý chưa thực sự hoàn thiện khiến cơ hội cho kiểu kinh doanh nhờ quan hệ hay nhóm lợi ích vẫn còn nhiều chỗ đứng, khiến nhiều khía cạnh tron­g văn hóa kinh doanh trở nên khó nói?

PGS. TS Dương Thị Liễu: Đúng là như vậy. Trên thực tế vẫn đang còn không ít doanh nghiệp mà việc kinh doanh chỉ là phụ sau việc quan hệ, lobby, chạy dự án… Điều đó gây ra nhiều hệ lụy: Môi trường kinh doanh bị vẩn đục, doanh nghiệp  làm ăn chân chính, lương thiện lại bị thua thiệt, bị chèn ép; niềm tin giữa con người trong kinh doanh cũng vì thế mà mong manh hơn… Bản chất mọi mối quan hệ dạng này là vì lợi ích, nhóm lợi ích. Chúng không chỉ dừng ở bảo hộ mà còn là "lá chắn" theo kiểu "đôi bên cùng có lợi", thứ "quyền lực dựa hơi" này là bài toán nan giải cho sự minh bạch, công bằng, dựa vào chính nội lực doanh nghiệp.

Mặc dù đã có những nỗ lực, có những tấm gương sáng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng đây đó vẫn còn những “mảng tối” từ kiểu kinh doanh nhờ quan hệ (theo nghĩa tiêu cực) hay nhóm lợi ích. Kiểu kinh doanh này làm mất đi tính công bằng của cuộc chơi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Với Việt Nam, điều cần làm là cần có một chính phủ liêm chính có các công cụ hữu hiệu để hạn chế vấn nạn này. Chỉ có xây dựng một mối quan hệ sòng phẳng, bình đẳng và công khai trong kinh doanh mới có thể tạo ra được một môi trường kinh doanh trong sáng, lành mạnh. Điều đáng lưu ý là khi tham gia sân chơi toàn cầu với những yêu cầu và chuẩn mực cao, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách ứng xử trong kinh doanh nếu muốn đi xa, dần dần tình trạng kinh doanh nhờ quan hệ hay nhóm lợi ích sẽ phải nhường chỗ cho một môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh

Thực tế là, không thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, doanh nghiệp không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao. Và để biến những lời cổ động này thành hành động cho các doanh nhân trẻ thế hệ sau này, bà có những lời khuyên như thế nào? 

PGS. TS Dương Thị Liễu: Tôi xin có mấy lời khuyên cô đọng như sau:

Thứ nhất, hãy chuẩn bị hành trang văn hóa kinh doanh, văn hóa khởi nghiệp ngay từ khi bắt đầu công việc kinh doanh 

Thứ hai, luôn “soi chiếu” hoạt động của doanh nghiệp qua các tiêu chí, tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh quốc gia và quốc tế 

Thứ ba, luôn thấm nhuần sứ mệnh cao cả: “Kinh doanh để phụng sự Tổ quốc”

Cuối cùng, luôn đồng bộ tiêu chuẩn: Tuân thủ pháp luật - Kinh doanh có trách nhiệm- Tinh thần/khát vọng dân tộc 

Bảo Trinh(thực hiện)

Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/kinh-doanh-co-trach-nhiem-la-he-gia-tri-moi-trong-phat-trien-doanh-nghiep-cua-thoi-dai-moi.html

Viết bình luận của bạn:
hotline 0914899219