GDVN- Gần đây, chúng ta đã mở rộng được các đối tượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần cảnh báo, ngăn chặn những nguy cơ sai phạm trong tương lai.

Thời gian qua, những vụ việc liên quan đến các sai phạm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đưa ra ánh sáng đã thu hút sự quan tâm của dư luận, tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng của Đảng ta.

Ngày 06/4, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng”.

Có thể thấy, tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, cần xử lý nghiêm minh, hướng tới việc xây dựng, phát triển nền kinh tế lành mạnh, bền vững.

Coi trọng vai trò phản biện giám sát của báo chí, truyền thông

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, cần chú trọng, tăng cường phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là vấn đề tham nhũng có sự liên kết giữa khu vực công và tư.

Qua các vụ án của Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có thể thấy quy mô, mức độ nghiêm trọng của các vụ án tham nhũng khu vực tư là rất lớn, hành vi cấu kết giữa doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp với quan chức quản lý Nhà nước vô cùng tinh vi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Qdnd.vn)

“Nói thẳng, từ việc đấu thầu những dự án giao thông thủy lợi cũng có dấu hiệu tham nhũng, khi tôi về một địa phương, chính đơn vị thi công một đoạn đường đã thừa nhận họ phải chi trả một khoản phí lớn cho cơ quan cấp phép dự án.

Từ lĩnh vực y tế đến tài chính, chứng khoán, giao thông, đất đai,… vấn đề tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đang vô cùng nhức nhối.

Điều này cho thấy sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ thiếu bản lĩnh đã gây hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương, làm mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ công chức và doanh nhân.

Bên cạnh đó còn ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, thiếu công bằng trong cạnh tranh, đầu tư. Tham nhũng đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, uy tín và thương hiệu quốc gia”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương khẳng định.

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cũng nêu ra một số giải pháp để đẩy mạnh phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

Thứ nhất, về khía cạnh pháp luật, phải có những điều chỉnh, bổ sung, quy định chặt chẽ hơn đối với Luật phòng chống tham nhũng, đặc biệt cần quy định cụ thể hơn đối với phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.

“Chúng ta chưa có một cơ quan chống tham nhũng khu vực tư đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này.

Ở Singapore, họ có cơ quan chuyên trách, cục phòng chống tham nhũng có quyền điều tra, thu thập chứng cứ, giám sát quan chức, doanh nghiệp và làm rất chặt công tác này.

Chúng ta cũng cần những quy định chặt chẽ để ngăn chặn sự cấu kết tham nhũng giữa khu vực tư và công, chủ nghĩa thân hữu, vấn đề lợi ích nhóm. Phải có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm”, ông Cương cho biết.

Thứ hai, cần xây dựng, phát triển, nâng cao và quản lý tốt văn hóa doanh nghiệp, thực hiện văn hóa phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề tham nhũng, thậm chí cần có bộ quy tắc ứng xử trong văn hóa doanh nghiệp, thực hiện đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Chúng ta đang xem nhẹ vấn đề này, cả khu vực tư và khu vực Nhà nước, cần đưa vào chế tài với những quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, cần nâng cấp văn hóa phòng chống tham nhũng thông qua phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông, tiếp thu những ý kiến phản biện, giám sát, phản ánh của cơ quan báo chí, đồng thời phải có cơ chế bảo vệ phóng viên, những người đưa các vụ việc sai phạm ra ánh sáng.

Thứ ba, phải phát huy cơ chế dân chủ trong công tác phòng chống tham nhũng.

Chúng ta có chủ trương ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng’ thế nhưng, thực tế, một dự án quy hoạch như thế nào, người dân cũng không nắm bắt được thông tin.

Để phát huy tinh thần dân chủ, cần công khai, minh bạch thông tin đến người dân, tiếp thu ý kiến giám sát, phản biện của người dân.

Thứ tư, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng chống tham nhũng cả khu vực ngoài Nhà nước và khu vực Nhà nước.

Cuối cùng, phải học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, của các doanh nghiệp nước ngoài trong công tác phòng chống tham nhũng.

Cần xem công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thực hiện các giải pháp mang tính tổng hợp từ góc độ luật pháp, văn hóa, đạo đức, chính trị .

Dẹp bỏ “sân sau”, chặn đứng chủ nghĩa thân hữu

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói rằng, thời gian gần đây, chúng ta đã có những sự chuyển biến trong nhận thức, văn bản pháp lý cũng như trong chỉ đạo hành động về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước nói riêng.

Đó cũng là cơ sở để chúng ta đưa ra ánh sáng một loạt vụ việc với những sai phạm của những tập đoàn, công ty lớn.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói rằng, thời gian gần đây, chúng ta đã có những sự chuyển biến về công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước nói riêng. (Ảnh: Doanhnghiepvn.vn)

“Chúng ta đã mở rộng được các đối tượng trong đấu tranh chống tham nhũng cũng như khắc phục được những hậu quả do tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước gây ra.

Đồng thời, góp phần cảnh báo, ngăn chặn những nguy cơ sai phạm trong tương lai, ngay cả với trường hợp tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có sự cấu kết với cán bộ của khu vực Nhà nước.

Rõ ràng, đây là một hướng đi đúng, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Công cuộc chống tham nhũng ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… đã cho chúng ta những bài học về công tác chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định.

Theo ông Phong, tham nhũng dù ở lĩnh vực nào cũng gây thiệt hại cho xã hội, cụ thể là làm hao phí các nguồn lực công; làm giảm hiệu quả của những hoạt động đầu tư công hay những hoạt động quản lý Nhà nước; làm gây thất thu ngân sách Nhà nước và thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đặc biệt, tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước còn ảnh hưởng đến câu chuyện đầu tư, ảnh hưởng đến cả uy tín của Nhà nước.

Thậm chí, nó còn tạo ra sự nhiễu loạn nền kinh tế và gây cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh. Đặc biệt trong những vụ án bị khởi tố thời gian qua đã cho thấy có những “móc nối”, xuất hiện “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có sự cấu kết với cán bộ của khu vực Nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa thân hữu. Điều này thể hiện thông qua việc người nhà hay bạn bè, anh em quan chức mở công ty rồi đưa hợp đồng chỉ định thầu, đấu thầu hình thức, quyền của Nhà nước chuyển hóa thành quyền tư nhân.

Ở Việt Nam, còn xuất hiện tình trạng nhân danh sự liên kết, nhân danh góp vốn để tiếp tay cho những sai phạm.

Việc xử lý vấn đề “sân trước”, “sân sau” cần đối chiếu vào các văn bản luật để thực hiện.

Dựa vào Luật chống tham nhũng, Quy định những điều Đảng viên không được làm, Luật hình sự, Luật dân sự,… để xử lý.

Tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã gây ra sự nhiễu loạn nền kinh tế, đặc biệt còn ảnh hưởng đến câu chuyện đầu tư.

Chống tham nhũng KV ngoài Nhà nước: cần chặn sớm những Trịnh Văn Quyết tiếp theo
Chống tham nhũng KV ngoài Nhà nước: cần chặn sớm những Trịnh Văn Quyết tiếp theo

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, để nền kinh tế phát triển, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng, cần phải có sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, tiếp nhận những phản ánh, tố cáo của doanh nghiệp, của người dân và có sự tham gia giám sát của cộng đồng.

Với những sai phạm xảy ra, phải xử lý nghiêm những người đứng đầu, những người có liên quan và cả những cơ quan chủ quản quản lý doanh nghiệp đó.

Đồng thời, phải công khai, minh bạch thông tin trong công tác xử lý sai phạm, kịp thời công bố những kết quả xử lý để răn đe, không để những sai phạm tiếp diễn.

Viết bình luận của bạn:
hotline 0914899219