Từ góc độ quản trị doanh nghiệp và quan điểm của người lãnh đạo tổ chức, văn hóa doanh nghiệp được coi là một một phương pháp và công cụ quản trị hiện đại. Quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp (Management by Culture - MBC) là sử dụng các nội dung của văn hoá doanh nghiệp trong việc quản lý và điều hành các hoạt động trong doanh nghiệp, trong đó các nội dung văn hoá doanh nghiệp đặc trưng của một tổ chức được lồng ghép vào trong các phương pháp quản lý và điều hành truyền thống.Về bản chất, Quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp là lựa chọn một hệ thống các giá trị và triết lý hành động đúng đắn đủ để có thể làm động lực lâu dài và mục đích phấn đấu chung cho nhiều người. Hệ thống các giá trị và triết lý này cũng phải phù hợp với mong muốn và chuẩn mực hành vi của các đối tượng hữu quan. Quản trị bằng văn hóa là việc thiết kế các chương trình hành động để đưa hệ thống các giá trị và triết lý đã chọn vào trong nhận thức và hành động của các thành viên tổ chức nhằm giúp họ tự nguyện phấn đấu và hành động thống nhất, nhằm tôn vinh những giá trị và triết lý đã được lựa chọn của tổ chức. Quản lý bằng VHDN hướng tới việc khơi dậy nguồn sức mạnh tiềm ẩn ở mỗi thành viên, biến họ trở thành những toa tàu tự hành trong một đoàn tàu doanh nghiệp. Quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp là quản lý các mối quan hệ: (1) Với đối tượng hữu quan bên ngoài - Quản lý bằng Lời hứa (PromiseBased Management); (2) Với đối tượng bên trong - Quản lý Bằng Cam kết (CommitmentBased Management).

Các doanh nghiệp ngày nay không thể chỉ kiếm lợi nhuận theo cách thông thường để có thể sống sót được qua cạnh tranh mà còn phấn đấu trong việc xây dựng hình ảnh của mình bằng những đóng góp, cống hiến cho xã hội, Những câu hỏi cơ bản mà tổ chức, doanh nghiệp ngày nay thường xuyên phải đối đầu là: (1) Hình ảnh mà tổ chức, công ty muốn tạo ra trong "mắt" những người hữu quan và xã hội về bản thân mình là như thế nào?; (2) Những giá trị, triết lý hành động nào có thể sử dụng để tạo lập hình ảnh mong muốn cho tổ chức, công ty?; (3) Tổ chức, công ty cần phải làm gì để mọi thành viên của mình tự nguyện phấn đấu vì những hình ảnh, triết lý, giá trị này?. Những câu hỏi trên đã thực sự làm cho quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp trở thành phương pháp quản lý có ý nghĩa nhất đối với các tổ chức và doanh nghiệp ngày nay.

  Quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp có đặc điểm coi các giá trị cốt lõi của người lãnh đạo và tổ chức là những triết lý và nguyên tắc lãnh đạo cơ bản mà các cấp lãnh đạo, quản lý phải tuân thủ và gương mẫu thực hành. Như vậy, lãnh đạo dựa vào văn hóa tổ chức hay dựa vào hệ giá trị là một phương pháp, công cụ lãnh đạo, quản trị tổ chức mới. Sức mạnh của doanh nghiệp hiện đại đến từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng một khi doanh nghiệp đã bước vào cuộc chơi và muốn đứng vững trên thị trường hay mở rộng quy mô cạnh tranh với các đối thủ thì yếu tố quản trị bằng văn hóa riêng chính là yếu tố quyết định sự trường tồn và vị trí, tiếng tăm của một doanh nghiệp trên thị trường. Các nhân sự tài năng, chủ chốt luôn tìm kiếm một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, có phong cách làm việc riêng, sáng tạo, khác biệt và đầy thử thách để gắn bó dài lâu vì vậy chủ doanh nghiệp nào tạo ra được nét văn hóa riêng cho doanh nghiệp mình thì nhất định các nhân sự sẽ cùng chung hướng đưa công ty phát triển bền vững, lớn mạnh.

Quản trị bằng văn hoá (Management By Culture - MBC) là loại quản trị noi gương, những giá trị tốt đẹp sẽ được lưu trữ, gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên để quản trị bằng văn hoá thì doanh nghiệp không đợi phát hiện ra văn hoá đó phù hợp với doanh nghiệp không mới phát huy và nhân rộng. Mà doanh nghiệp phải hoạch định được lộ trình, có các chương trình bổ trợ thường xuyên và liên tục và thậm chí đôi lúc áp đặt lên những thành phần chưa biết hoặc đi ngược với tầm nhìn văn hoá của doanh nghiệp. Việc tuân thủ văn hoá như là một trách nhiệm và quyền lợi đầu tiên của mỗi cá nhân được kết nạp vào tổ chức. Rõ ràng quản trị bằng văn hoá là một xu hướng quản trị có tính thực tiễn và sẽ được áp dụng của nhiều doanh nghiệp mới trong thời đại mới. Làm nền tảng đạt được những thành tựu để có thể hướng đến một mô hình quản trị bất duyệt, quản trị bằng giá trị. quản trị bằng văn hóa chính là đỉnh cao của quản trị nhân sự, khi một doanh nghiệp định hình được văn hóa, tự khắc nó sẽ vận hành một cách có hệ thống.

Quản trị bằng văn hóa tức là quản trị bằng tự trị, khác với cai trị. Mỗi người tự ý thức quản trị chính mình, hành động dựa trên lương tri và phẩm giá của mỗi người. Nếu không chú trọng đến yếu tố văn hóa thì không thể có quản trị mà chỉ có “cai trị”. Quản trị bằng văn hóa là tương lai của quản trị, là xu thế tất yếu của thời đại, đã đến thời của quản trị bằng văn hóa, sự truyền cảm thay vì quản trị bằng mệnh lệnh, sự áp đặt. Xây dựng quản trị bằng văn hóa - nền tảng cho một mô hình quản trị trong một thời đại mà con người ngày càng trở nên tự do hơn. Nhờ văn hóa doanh nghiệp mà nhà quản lý có thể triển khai chiến lược kế hoạch, công việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Công việc quản lý lúc này có thể được thực hiện chủ yếu là quản lý bằng văn hóa - nhấn mạnh vai trò tự quản của từng cá nhân, khích lệ tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, thành viên tổ chức, hướng tới việc khơi dậy nguồn sức mạnh tiềm ẩn ở mỗi thành viên, tập hợp sức mạnh tập thể từ các cá nhân. Khi đó, mỗi nhân viên sẽ hiểu, chia sẻ hoài bão, sứ mệnh và giá trị của công ty, từ đó chung sức, chung lòng chiến đấu cho sự phát triển và trường tồn của công ty. Quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp là quản lý bằng ý thức, tự quản lý. Quản lý bằng văn hóa là một cách khác để thực hiện kiểm soát trong các tổ chức.

Khi đã có được quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp thì sức ép về quản lý của ban lãnh đạo sẽ được giảm đi nhờ sự chia sẻ của cấp dưới. Các nhân viên được quyền sẽ tự biết điều hành và cần phải làm gì trong những tình huống khó khăn. Trong một môi trường tổ chức mà mọi người đều tham gia chia sẻ thực sự thì các giám đốc không cần quản lý nữa. Đó chính là một phương diện quan trọng của quản lý theo văn hóa và quản lý bằng văn hóa. Nhờ văn hóa doanh nghiệp mà nhà quản lý có thể triển khai chiến lược kế hoạch, công việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Công việc quản lý lúc này có thể được thực hiện chủ yếu là quản lý bằng văn hóa. Trên cơ sở đó, nếu môi trường lành mạnh, mọi người sẽ bỏ đi những cái tôi để đặt lợi ích của tổ chức lên hàng đầu, chia sẻ và gánh vác những khó khăn cùng với các cấp lãnh đạo. Đó chính là nghệ thuật quản lý: quản lý theo văn hóa và quản lý bằng văn hóa.


Thực tế cho thấy sự thành công của các tập đoàn lớn trên thế giới, đa phần các tập đoàn lớn họ kinh doanh thành công tại nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác biệt trên thế giới là vì họ ý thức được việc quản trị bằng văn hóa từ rất sớm. Và họ đã xây dựng được cho mình nền văn hóa chạm đến những giá trị phổ quát và trường tồn, nên họ có thể tồn tại và thích ứng được trong môi trường đa văn hóa hay mọi nền văn hóa. Để tạo ra các tập đoàn vĩ đại và trường tồn, văn hóa chinh phục thế giới của họ bao giờ cũng có chứa đựng lương tri và mang trong mình các giá trị phổ quát.

"Nếu bạn muốn những người thông minh làm việc với bạn, cần hiểu rằng, họ chỉ có thể được quản lý bởi văn hoá, không phải bởi quy định, luật pháp. Ở Alibaba, chúng tôi dành nhiều thời gian để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nền tảng của văn hoá chính là chữ tín", Jack Ma -  vị tỷ phú Trung Quốc khẳng định.

Để áp dụng được phương pháp quản trị ưu việt này của thời đại, bản thân nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có tầm văn hóa. Vì chỉ có điều này mới có thể làm cho một doanh nghiệp thành công theo cách được tôn trọng và bền vững theo thời gian. Sẽ không thể có “quản trị bằng văn hóa” nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có hiểu biết sâu sắc về văn hóa doanh nghiệp.

Hộp 4.1

        Mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị: Thúc đẩy con người và những lợi ích mang lại

       Milton Friedman- chuyên gia tư vấn kinh tế kinh qua các đời Tổng thổng Mỹ từng tuyên bố rằng:”Mục đích cốt lõi của việc làm kinh doanh là tối đa hoá lợi nhuận". Và nếu bạn còn nhớ tới bộ phim: “Wall Street”, trong đó tài tử Michael Douglas đã nói trước hàng ngàn cổ đông và tuyên bố rằng:” Thưa quý vị, điều đáng nói ở đây là, lòng tham, theo một cách nào đó, là một điều tốt. Lòng tham đem lại hiệu quả công việc, và nó sẽ không chỉ cứu các công ty khỏi bờ vực phá sản mà còn cả nền kinh tế của nước Mỹ đang hoạt động không hiệu quả nữa. Ảnh hưởng của hệ tư tưởng này đang ngày càng rõ nét. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy 12 triệu người Mỹ bỏ nhà ra đi, họ không còn tiền tiết kiệm hay không thể nghỉ hưu. Chúng ta nhìn thấy một sự thất vọng hoàn toàn, họ đã mất đi niềm tin vào những mô hình lãnh đạo trước đây. Hóa ra, lòng tham và bản chất là mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực không hề tốt cho mọi người, không hề tốt cho các tập đoàn hay các quốc gia hàng đầu thế giới.

Mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị và mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực

Các nhà lãnh đạo, các CEO, Phó chủ tịch, Nhà quản lý, trưởng dự án đến những người làm kinh doanh đều có một thứ quyền lực, đó là sức mạnh ảnh hưởng đến con người và sự việc. Thứ quyền lực hay sức mạnh ấy, có thể được sử dụng một cách khôn ngoan hoặc bị lạm dụng, theo cách xấu hoặc cách tốt, để phục vụ hay để kiểm soát người khác. Và những gì đang diễn ra trên thế giới ngày nay là hồi chuông cảnh tỉnh để các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực của mình một cách khôn ngoan hơn, vì con người và vì hành tinh của chúng ta.

Mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực là việc “khiến người khác phải làm việc”, làm cách nào thao túng quyền lực để đạt được những gì bạn muốn, làm thế nào để chiến thắng bằng những chiến lược thông minh. Quyền lực vốn đã là một mục tiêu của nhiều người. Người có nhiều quyền lực và người đem lại thành công cho tổ chức sẽ được định nghĩa là những người thành công. Kết quả là, chúng ta thường xuyên thấy sự xung đột giữa các cá nhân, giữa các nhóm quyền lực với nhau. Không ngạc nhiên lắm, khi những nhà lãnh đạo kiểu này thường mời các “chuyên gia” về để huấn luyện nhân viên của mình trong việc hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, giao tiếp, đối mặt với căng thẳng hay vô số những chương trình được thiết kế ra để giải quyết  những vấn đề họ tạo ra. Vấn đề mà những nhà lãnh đạo này không thực sự giải quyết chính là việc nhân viên của họ đang học theo phong cách lãnh đạo mà họ nhìn thấy và tiếp xúc hàng ngày.

Ngày nay, thay đổi mô hình lãnh đạo là điều thực sự cần thiết, từ mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực đến mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị hoặc lãnh đạo phụng sự. Đặc trưng của mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị là sự cam kết  phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người khác. Giá trị của những công ty theo phong cách lãnh đạo này thể hiện những gì họ đã cam kết. Những giá trị này không phải chỉ là hình thức hay những lời nói mà không làm.Thay vào đó, những công ty này thường có tầm nhìn rõ ràng, họ thuyết phục và khuyến khích mọi người hướng tới những mục đích cao cả hơn. Ví dụ như viễn cảnh về thế giới trong tương lai sẽ như thế nào, và hãy cùng thực hiện để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Mục đích sau cùng là sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan để phục vụ mọi người, với một tầm nhìn rõ ràng và những giá trị có ý nghĩa- những thứ được phản ánh qua lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo. Quyền lực là một phương tiện, chứ không phải mục đích; nó là một công cụ để giúp đỡ mọi người. Lắng nghe và huấn luyện là những công cụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo. Thước đo thành công là sự phát triển của mỗi cá nhân và của cả tổ chức. Kết quả tạo ra là sự hợp tác và phối hợp giữa các nhóm quyền lực, giữa các cá nhân và các nhóm; họ sẽ tập trung vào việc giải quyết vấn đề và tạo ra những cơ hội mới tốt hơn.

Lãnh đạo theo giá trị là phong cách lãnh đạo dựa trên nền tảng đạo đức, mục đích là vì quyền lợi của mọi người. Những nhà lãnh đạo theo phong cách này đem lại hy vọng. Họ khuyến khích trí tưởng tượng, sự tháo vát và sức sáng tạo nằm trong mỗi người. Họ giúp mọi người có thể tự giúp mình, và bồi dưỡng nhân viên trở thành những nhà lãnh đạo theo phong cách này.

Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng

Pittacus, một trong 7 vị hiền triết của Hy Lạp cổ đại, nói rằng: “thước đo của một con người thể hiện qua cách họ sử dụng quyền lực của mình”. Trong lịch sử và trong tất cả mọi lĩnh vực, chúng ta nhìn thấy vô vàn những ví dụ về phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị. Những con người điển hình cho phong cách này  là Martin Luther King, Ghandi, Mẹ Theresa, Jimmy Carter hay Nelson Mandela, nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy những nhà lãnh đạo khác thuộc phong cách này bên ngoài xã hội, trong các chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân. Đặc điểm của những nhà lãnh đạo này là khả năng kết nối mọi người cùng nhìn về một hướng, vì một thế giới tốt đẹp hơn, họ đưa ra cơ sở đạo đức cho tầm nhìn đó, với mục đích là phục vụ mọi người. Hãy tạm ngừng và nghĩ về những nhà lãnh đạo đã từng xuất hiện trong cuộc đời bạn- những người đã có ảnh hưởng để biến bạn trở thành phiên bản tốt nhất và sáng tạo nhất của chính mình. Hãy nhớ lại   cách mà họ đã sống và hướng dẫn cho bạn, cách họ ảnh hưởng và định hình cuộc sống của bạn như thế nào.

Lãnh đạo là một quá trình tạo ảnh hưởng. Bất cứ khi nào bạn tạo ảnh hưởng tới suy nghĩ, niềm tin hay sự tiến triển trong đời sống cá nhân hay nghề nghiệp của một con người, hay giải phóng sức mạnh để họ có thể tạo ra những thứ tốt hơn, thì khi đó bạn đang đảm nhận vai trò của một người lãnh đạo. Bạn liên tục tạo ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn, con cái ,thành viên trong gia đình bạn, đồng nghiệp hay sếp của bạn. Nếu dành thời gian để ngẫm lại, bạn sẽ thấy rằng nền tảng của việc tạo được ảnh hưởng tới người khác chính là những giá trị của bản thân bạn, niềm tin mà bạn đang nắm giữ, những thứ quan trọng khiến bạn trở thành một người tử tế, một người sử dụng quyền lực một cách thông minh và vì lợi ích của người khác.

Lợi ích sau cùng: Trên cả tuyệt vời

Mọi người muốn cảm thấy sự gắn kết với tổ chức, không chỉ ở mức độ lý tính mà còn cả về mặt cảm xúc. Khi tầm nhìn của một công ty mở rộng hơn, với lợi ích lớn hơn, thì các nhà lãnh đạo cũng phải chủ động tìm cách kết nối mọi người với tầm nhìn đó và cho họ thấy những giá trị chung sẽ dẫn dắt mọi hành động như thế nào, từ đó tạo ra một mối liên kết chặt chẽ và mọi người sẽ được thôi thúc để cố gắng hết sức mình.

Nghe thì có vẻ hay, nhưng nếu điều này không tạo ra kết quả thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vui khi biết rằng bạn sẽ nhận được nhiều hơn khi bạn sử dụng quyền lực một cách thông minh và áp dụng phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị. Ngày càng có nhiều công ty đang làm theo cách như vậy. American Express đang tiến hành một cuộc khảo sát để kiểm tra những nhà lãnh đạo của họ thể hiện những giá trị công ty qua hành động hàng ngày thế nào. Những công ty khác thậm chí đã chuyển đổi mô hình lãnh đạo của mình từ “ lãnh đạo dựa trên giá trị" thành “ lãnh đạo là đầy tớ". Southwest Airlines, Starbucks, Chick-fil-A, TD Industries, Men's Warehouse hay Toro đều là những ví dụ điển hình cho mô hình “ lãnh đạo là đầy tớ" và họ đã tạo ra được những kết quả vô cùng tích cực. Trên thực tế, những công ty này có kết quả kinh doanh tốt hơn cả các công ty S&P500 (với mức Tỷ suất lợi nhuận ROI chỉ đạt 10,3%) hay công ty của Jim Collins (tác giả cuốn sách: “Good to Great, tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại) với mức ROI đạt 17,5%. ROI của các công ty áp dụng phương pháp lãnh đạo trên thường đạt mức 24.2%.

Thuật ngữ: “lãnh đạo là đầy tớ" được phát biểu lần đầu  bởi Robert Greenleaf, Giám đốc quản lý việc nghiên cứu, phát triển và giáo dục của AT&T (một tập đoàn viễn thông đa quốc gia lớn và lâu đời có trụ sở tại Mỹ) trong suốt 48 năm. Khi nghỉ hưu vào năm 1964, ông đã thành lập trung tâm đạo đức ứng dụng (nay là 'Trung tâm Robert K. Greenleaf') để thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiểu biết về những ưu điểm của phong cách lãnh đạo này. Thông điệp cốt lõi của Greenleaf là: “Một nhà lãnh đạo giỏi trước hết phải là một người đầy tớ và thực tế đơn giản đó chính là chìa khoá thành công của ông”. Bằng việc kết hợp hai thuật ngữ tưởng chừng đối lập nhau là: ”đầy tớ" và “lãnh đạo", Greenleaf đã nhắc nhở chúng ta phải xem xét lại về bản chất của việc lãnh đạo. Thông điệp này ngày càng đến được với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và là nền tảng cho việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

Nhà lãnh đạo trong chính con người bạn

Martin Luther King từng nói: "Mọi người đều có thể trở nên vĩ đại vì mọi người đều có thể phụng sự”. Vì thế, việc lãnh đạo dựa trên giá trị không nói về chức danh, hay vị trí của bạn trên sơ đồ cơ cấu tổ chức. Nó không chỉ giới hạn trong bản mô tả công việc của bạn và cũng không phải là một phong cách giao tiếp. Nó là một cách giúp bạn nhìn nhận, giúp bạn có tầm nhìn về một tương lai tích cực và đem lại nhiều hy vọng, mục đích của nó là giúp bạn để ý và quan tâm đến nhu cầu của người khác. Bạn phải cố gắng từng chút một. Nó là lời cam kết để tạo ra sự thay đổi cho một con người hay một hành động. Nó là một thứ năng lực phát triển theo thời gian, là một phần con người bạn và phải được rèn luyện suốt cuộc đời.

Điều bạn nên làm nếu muốn áp dụng phong cách lãnh đạo này

-  Đọc toàn bộ các sách về phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị hoặc “lãnh đạo là đầy tớ”. Thử xem nó ảnh hưởng đến niềm tin của bạn như thế nào và những gì bạn biết về các phong cách lãnh đạo trong thế giới ngày nay.

- Hãy trở thành những người tạo ảnh hưởng trong tổ chức của bạn bất kể bạn đang ở vị trí nào

- Xác định tầm nhìn và những giá trị riêng của bạn. Xác định cách bạn sống với những giá trị ấy, trong mọi hành động bạn làm.

- Xác định tầm nhìn và những giá trị của tổ chức của bạn. Chúng được thể hiện như thế nào trong việc  giao tiếp và ra quyết định. Có vị giám đốc điều hành đã từng nói, "Nếu một quyết định không phù hợp với tầm nhìn và giá trị của chúng tôi, đó không phải là quyết định đúng."

- Tạo ra tầm ảnh hưởng đối với mỗi cá nhân, đội, nhóm, hoặc tổ chức. Khuyến khích những cuộc trò chuyện về văn hoá, lãnh đạo, tầm nhìn, giá trị. Xây dựng sự kết nối và liên kết với tầm nhìn chung và các giá trị của tổ chức.

- Phát triển các mối quan hệ tin cậy ở các cấp lãnh đạo cao hơn.  

- Sẵn sàng trở thành một “nhân tố thay đổi” và hỗ trợ xây dựng một liên minh các “nhân tố thay đổi” khác, với người đứng đầu là CEO, người sẽ có một loạt những động thái giúp củng cố văn hoá lãnh đạo tại công ty bạn.

                                                                      Nguồn: Theo Saga.vn

 

(Nguồn: Sách “Văn hóa doanh nghiệp” của tác giả Dương Thị Liễu, NXB Tài chính, 2021)

 

 

hotline 0914899219