Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong các HTX nông nghiệp
Kinh tế chia sẻ là xu thế tất yếu nếu muốn phát triển HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Tuy vậy, quá trình ứng dụng kinh tế chia sẻ trong các HTX mới chỉ ở bước “sơ khai” và muốn đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, thì HTX còn nhiều việc cần phải làm.
HTX Việt Tân Tiến và khát vọng làm giàu từ nông nghiệp hữu cơGỡ vướng cơ chế để Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quảSức vươn mạnh mẽ của khu vực kinh tế HTX ở Bắc Ninh
Hội thảo “Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức cho thấy, kinh tế chia sẻ (như điện toán đám mây, big data, IoT, robot tự động, thiết bị truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch điện tử….) sẽ giúp người dân, HTX tận dụng lợi thế của công nghệ số để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời giúp HTX tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực.
Khó khăn bủa vây
Mang lại những lợi ích thiết thực như vậy nhưng hiện nay, kinh tế chia sẻ vẫn chỉ được số ít HTX hiểu và ứng dụng thành công. Theo khảo sát của Viện phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) trên 1.000 HTX nông nghiệp thực hiện đầu năm 2021 cho thấy, đa số cán bộ quản lý HTX chưa hiểu về kinh tế chia sẻ.
Khảo sát cho thấy, với 400 phiếu điều tra tại các HTX, có tới 104 phiếu trả lời chưa biết gì về kinh tế số (chiếm 26%), 203 phiếu trả lời chỉ biết và hiểu một ít về kinh tế số (chiếm 50,7%), 77 phiếu chọn đã hiểu về kinh tế chia sẻ (chiếm 19,3%), còn lại chỉ có 15 phiếu trả lời hiểu rõ về kinh tế chia sẻ (chiếm 3,8%).
Ứng dụng kinh tế chia sẻ vẫn còn mới mẻ với các HTX nông nghiệp. |
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng rào cản lớn nhất là trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận, đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, trong số 56.470 cán bộ HTX nông nghiệp chỉ có 11.675 cán bộ có chứng chỉ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm 20,6%); 17.243 cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 30,53%); 27.552 cán bộ chưa qua đào tạo (chiếm 48,79%).
Thực tế vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp hoạt động dựa vào số cán bộ cao tuổi, trình độ chuyên môn thấp, quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm và uy tín cá nhân. Đây là một trong những rào cản đối với HTX khi ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những vấn đề liên quan đến công nghệ thông minh, công nghệ cao.
Bên cạnh yếu tố nhân lực, quy mô nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng đến việc ứng dụng kinh tế chia sẻ của các HTX hiện nay. Theo nghiên cứu, bình quân 1 HTX có 280 thành viên nhưng chủ yếu số thành viên này từ các HTX nông nghiệp được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012. Số HTX được thành lập những năm gần đây thì thành viên bình quân chỉ khoảng 7-30 thành viên.
Cùng với đó, diện tích canh tác khiêm tốn cũng khó thúc đẩy ứng dụng kinh tế chia sẻ. Trong khi việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Tổng cục thống kê, từ 2016-2020, số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân của 1 hộ cũng chỉ tăng từ 2,5 thửa (năm 2016) lên 2,8 thửa (diện tích bình quân một thửa ruộng là 2.026,3m2). Thực tế tại các HTX, nhất là các HTX ở phía Bắc, diện tích sản xuất của người dân, HTX còn ít hơn nhiều bởi điều kiện địa hình đồi núi, địa phương chưa chú trọng đến dồn điền, đổi thửa.
Để ứng dụng kinh tế chia sẻ hiệu quả, ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, các HTX cần quản lý giao dịch bằng hệ thống điện tử, thanh toán bằng thẻ. Thế nhưng các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn chưa làm được điều này. Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cuối năm 2020, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 5% tổng số HTX cả nước) và chỉ những HTX mới đang chú trọng giao dịch bằng hệ thống điện tử, thanh toán bằng thẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hiện các giao dịch điện tử vừa giúp các HTX hạn chế việc phải ghi chép thủ công bằng sổ sách lại bảo đảm yếu tố chính xác, minh bạch, từ đó bảo đảm vấn đề quản lý thông tin sản xuất kinh doanh. Điều này cũng được quy định cụ thể trong Điều 9, Luật HTX 2012 là: “Các HTX phải đưa vào điều lệ việc minh bạch thông tin, cung cấp thông tin cho thành viên, kiểm soát minh bạch thông tin kiểm soát, kiểm toán...". Nhưng thực tế, nhiều HTX chưa thực hiện tốt nội dung này.
Ông Hoàng Văn Long (Viện Phát triển kinh tế hợp tác) cho biết, khi ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX các hoạt động như vay vốn, sử dụng tài nguyên, máy móc, thiết bị, thanh toán... đều làm thủ công thì rất dễ để xảy ra tình trạng trục lợi cá nhân, gây khó khăn cho HTX khi làm việc với ngân hàng, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Thực tế, ứng dụng kinh tế chia sẻ đã thực hiện thành công ở một số HTX. Ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp an toàn Vũ Anh (Thái Bình) cho biết, hiện nay HTX đã đầu tư sản xuất rau màu theo mô hình công nghệ cao. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của công nghệ, HTX đã ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc kết nối với máy tính để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp thành viên tự tin đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên theo ông Vũ, không phải HTX nào cũng có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ vì ngoài những khó khăn nội tại, các HTX còn gặp rào cản từ các quy định pháp luật về vay vốn, tích tụ đất đai…
Chính vì vậy, để đưa kinh tế chia sẻ vào trong HTX nông nghiệp, ông Vũ cho rằng trước tiên cần tập trung hỗ trợ những HTX trẻ, có đầu tư, tự nguyện tham gia HTX. Sau khi các mô hình này thí điểm, ứng dụng hiệu quả có thể lan tỏa ra các mô hình khác vì đây là mô hình sản xuất mới, cần thời gian để các HTX thích ứng.
Việc liên kết với doanh nghiệp cũng được cho là giải pháp hiệu quả giúp HTX giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. |
Thực tế cho thấy, kinh tế chia sẻ khá tương đồng với mô hình HTX vì đều thực hiện theo nguyên tắc “mua chung, bán chung và cùng chia sẻ lợi ích”. Theo các chuyên gia, cũng giống như mô hình kinh tế chia sẻ Grab, chỉ cần người biết sử dụng dịch vụ hướng dẫn thì vẫn có nhiều người lớn tuổi có thể sử dụng được dịch vụ này. Điều quan trọng, tất cả các khái niệm, văn bản pháp luật đến ứng dụng về kinh tế chia sẻ cần đơn giản để phù hợp với nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của HTX. Bên cạnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp cũng được cho là giải pháp hiệu quả giúp HTX giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của HTX trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” cho biết, trước đây, quả vải của một số HTX ở Bắc Giang chưa đạt VietGAP chỉ bán 20.000 đồng kg, nhưng sau khi được doanh nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thông qua điện thoại thông minh thì quả vải đã bán được với giá 40.000 đồng/kg.
“Trong mối quan hệ này, HTX chỉ cần bỏ đất, công để trồng còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về công nghệ. Đây là một cách làm hiệu quả, phù hợp giúp HTX phát triển được những thế mạnh nội lực trong ứng dụng kinh tế chia sẻ”, ông Cương nói.